Trong thời đại công nghệ hiện đại, việc kết nối và tích hợp các hệ thống, ứng dụng dịch vụ đã trở thành một phần không thể thiếu trong hầu hết các lĩnh vực. Tuy nhiên, việc quản lý và bảo mật hàng trăm hoặc thậm chí hàng nghìn API có thể trở nên phức tạp và đòi hỏi một giải pháp hiệu quả. Đó là lúc API Gateway xuất hiện, mang đến một giải pháp tốt hơn cho việc quản lý, bảo mật. Hãy cùng Stringee khám phá về API Gateway, những ưu điểm mà nó mang lại cho việc quản lý và bảo mật API.

1. API Gateway là gì?

API Gateway là một phần mềm trung gian giữa khách hàng và các dịch vụ web, giúp quản lý bảo mật và kiểm soát quyền truy cập vào các API. Nó đóng vai trò như một điểm đầu vào duy nhất cho việc truy cập các dịch vụ web khác nhau.

Khi một ứng dụng hoặc dịch vụ muốn truy cập vào một API, thay vì truy cập trực tiếp vào API đó, nó sẽ gửi yêu cầu tới API Gateway. Sau đó API Gateway sẽ nhận yêu cầu này, kiểm tra và xác thực người gửi yêu cầu, sau đó định tuyến yêu cầu đến API tương ứng. Khi kết quả từ API, API Gateway sẽ trả về kết quả cho ứng dụng hoặc dịch vụ gốc.

API Gateway cũng cho phép triển khai các chính sách và quy tắc quản lý cho các API, bao gồm quản lý luồng lưu lượng, chuyển đổi định dạng dữ liệu, bộ nhớ đệm và định tuyến yêu cầu. Nó cung cấp khả năng mở rộng linh hoạt để đáp ứng nhu cầu của các ứng dụng và dịch vụ tăng trưởng.

2. Lợi ích của việc sử dụng API Gateway

Việc sử dụng API Gateway mang lại nhiều lợi ích đáng kể nhờ hệ thống bảo mật tốt. Dưới đây là một danh sách các lợi ích của API Gateway:

  • API Gateway cung cấp một trung tâm quản lý tập trung cho các API của bạn. Thay vì phải quản lý từng API riêng lẻ, bạn có thể quản lý và kiểm soát tất cả các API của mình từ một nơi duy nhất. Điều này giúp đơn giản hóa quy trình quản lý triển khai và cung cấp các API.
  • Bảo mật mạnh mẽ bảo vệ các API khỏi các cuộc tấn công và truy cập trái phép. Bạn có thể xác thực người dùng, áp dụng quyền truy cập và kiểm soát quyền hạn một cách linh hoạt. API Gateway cũng hỗ trợ các tiêu chuẩn bảo mật phổ biến như OAuth và JWT.
  • API Gateway có các công cụ giám sát và phân tích đánh giá hiệu suất, sẵn sàng và khả năng mở rộng của các API. Qua đó có thể theo dõi lưu lượng, thời gian phản hồi, lỗi và các chỉ số khác để đảm bảo hoạt động ổn định và tối ưu hóa hiệu suất của API.
  • Quản lý và điều chỉnh được lưu lượng truy cập vào các API khi người dùng có thể áp dụng giới hạn lưu lượng, xử lý hàng đợi yêu cầu và phân phối tải để đảm bảo hiệu suất của hệ thống, tránh quá tải và giúp ứng dụng hoạt động ổn định.
  • Chuyển đổi định dạng dữ liệu giữa các API và ứng dụng khác nhau. Điều này giúp đảm bảo tính tương thích và tương tác dễ dàng giữa các thành phần của hệ thống, ngay cả khi các API sử dụng định dạng dữ liệu khác nhau.

3. Cách thức hoạt động của API Gateway

API gateway thực hiện một loạt các chức năng quản lý và bảo vệ:

Bước 1: Tiếp nhận yêu cầu

API Gateway nhận các yêu cầu từ ứng dụng hoặc khách hàng thông qua giao thức HTTP hoặc các giao thức khác.

Bước 2: Xác thực và ủy quyền

API Gateway xác thực người dùng và kiểm tra quyền truy cập theo các chính sách xác thực và ủy quyền được cấu hình. Nếu người dùng không được xác thực hoặc không có quyền truy cập, yêu cầu sẽ bị từ chối.

Bước 3: Routing và phân phối

Sử dụng thông tin trong yêu cầu, chẳng hạn như URL, phương thức HTTP và tiêu đề, để xác định API đích phù hợp. Sau đó định tuyến yêu cầu tới API đích thông qua các quy tắc routing được cấu hình trước.

Bước 4: Chuyển đổi định dạng dữ liệu

Nếu cần thiết, API Gateway có thể chuyển đổi định dạng dữ liệu của yêu cầu hoặc kết quả để đảm bảo tương thích giữa các API và ứng dụng. Ví dụ, nó có thể chuyển đổi dữ liệu từ JSON sang XML hoặc ngược lại.

Bước 5: Caching

API Gateway kiểm tra bộ nhớ cache để xem liệu kết quả yêu cầu đã được lưu trữ trước đó hay chưa. Nếu kết quả có sẵn trong cache, API Gateway có thể trả về kết quả từ cache mà không cần gửi yêu cầu đến API đích, giảm tải cho hệ thống.

Bước 6: Gọi API đích

Nếu kết quả không có sẵn trong cache hoặc cần yêu cầu mới, API Gateway gửi yêu cầu tới API đích tương ứng. Nó truyền các thông tin yêu cầu và chờ nhận kết quả.

Bước 7: Xử lý kết quả

Nhận kết quả từ API đích và xử lý nó theo các quy tắc được cấu hình. Nó có thể thực hiện các thao tác như chuyển đổi định dạng và lọc dữ liệu

Bước 8: Trả về kết quả

Sau khi xử lý kết quả, API Gateway trả về kết quả cho ứng dụng hoặc khách hàng gửi yêu cầu ban đầu. Kết quả có thể được chuyển đổi định dạng nếu phù hợp với yêu cầu của ứng dụng.

4. Nên sử dụng API Gateway trong trường hợp nào?

  • Khi hệ thống của bạn cần truy cập đến nhiều nguồn dữ liệu từ hệ thống khác nhau, API Gateway sẽ đóng vai trò là một lớp trung gian giữa ứng dụng của bạn và các nguồn dữ liệu đó. Nó giúp đơn giản hóa việc gọi và quản lý các API từ các hệ thống khác nhau, đồng thời cung cấp một giao diện chung và đồng nhất cho ứng dụng của bạn.
  • API Gateway cung cấp các tính năng bảo mật mạnh mẽ khi ứng dụng của bạn cần xác định người dùng, quản lý phiên làm việc và quyền truy cập, hỗ trợ các tiêu chuẩn bảo mật như OAuth và JWT, giúp đảm bảo an toàn và bảo mật của hệ thống.
  • Trường hợp cần chuyển đổi định dạng dữ liệu giữa các API và ứng dụng. Khi các API cung cấp dữ liệu dưới nhiều định dạng khác nhau để đảm bảo tương thích, sử dụng dữ liệu một cách linh hoạt.
  • Nó ghi lại các thông tin quan trọng như lưu lượng truy cập, thời gian phản hồi, lỗi và các chỉ số khác. Điều này giúp bạn theo dõi được hiệu suất của hệ thống, xác định các vấn đề và tối ưu hóa các quy trình hoạt động.
  • Khi bạn triển khai một kiến trúc dựa trên microservices, API Gateway là một thành phần quan trọng để quản lý và điều phối lưu lượng giữa các microservices khác nhau. Đối với các tổ chức muốn chuyển đổi monolith của họ thành microservices, đây là một công cụ phù hợp.

Ngoài ra, việc triển khai API Gateway có thể đi theo hai hướng: Chọn một loại hoặc tự xây dựng một API Gateway tùy chỉnh đi kèm với chi phí bổ sung.

Dưới đây là một số cân nhắc để giúp bạn đưa ra quyết định đúng đắn khi sử dụng API Gateway:

  • Xem xét các công nghệ và kỹ năng hiện có của bạn. Một giải pháp được tạo ra từ một tập hợp các công cụ khác cung cấp các chức năng tương tự. Cùng một nhóm có thể mở rộng chức năng của phần mềm tạm thời nếu việc này không tốn nhiều thời gian và công sức.
  • Tham khảo ý kiến của những người khác trong công ty. Việc lựa chọn công nghệ sẽ ảnh hưởng đến nhiều chuyên gia trong nhóm của bạn: kỹ sư QA, Dev, kiến trúc sư, chuyên gia bảo mật,v.v. Họ đều có ý kiến riêng mà bạn nên cân nhắc trong quyết định cuối cùng.
  • Tính tổng chi phí sở hữu giải pháp mà bạn có so với công cụ tiềm năng trong tương lai. Có rất nhiều tùy chọn mã nguồn mở trên thị trường, vì vậy, có thể khả thi hơn nếu chọn một tùy chọn phổ biến nếu nó phù hợp với mục tiêu của bạn.

Tạm kết

Trên đây là những thông tin về API Gateway cũng như những lý do mà người dùng nên sử dụng API Gateway vào trong việc bảo mật và kiểm soát truy cập để quá trình lập trình diễn ra hiệu quả và dễ dàng. Hy vọng bài viết đã giúp bạn hiểu rõ hơn về công cụ hữu ích này để có thể tối ưu cho quy trình hoạt động của tổ chức.

Stringee hiện là đơn vị cung cấp bộ giải pháp giao tiếp Communication APIs giúp doanh nghiệp dễ dàng tích hợp các tính năng giao tiếp như gọi thoại/gọi video/chat vào ứng dụng hoặc website sẵn trong thời gian ngắn với chi phí tối ưu nhất. Giải pháp này cũng được hỗ trợ cho nền tảng React Native, chi tiết xin mời quý bạn đọc xem thêm tại đây.